Blog VISHOP

Khi mở cửa hàng thời trang, nhân tố không thể thiếu và nhiều khi quyết định đến việc thành công của cửa hàng lại chính là nhân viên bán hàng. Là những người trực tiếp giao tiếp, cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng, nên việc truyền tải thông tin về sản phẩm, chính sách đổi trả hay những chương trình khuyến mại, lại phụ thuộc chính vào nhân viên bán hàng.

Kinh doanh thời trang là một startup có lẽ phù hợp nhất với những bạn có đam mê quần áo, giày dép, thời trang. Cùng với sự phổ biến và tiện dụng của thế giới mạng, một người mới bắt đầu (newbie) có thể dễ dàng bắt đầu một công việc kinh doanh bằng một vài tài khoản trên enbac, rongbay, vishop.vn…hay một fanpage. Thế giới mạng là một chợ với đông đảo lượng khách hàng tiềm năng mà bất cứ người bán nào đều có thể tiếp cận được. Không cần cửa hàng, không cần nhân viên bán hàng, không cần kho hàng, đôi khi không cần sản phẩm…chỉ cần chịu khó là đã có thể khởi nghiệp việc kinh doanh thời trang của mình.

Khi đã có doanh thu nhiều, lượng khách hàng lớn và ổn định, những chủ shop online kia sẽ bắt đầu tìm cho mình một cửa hàng để kinh doanh theo cách truyền thống. Và việc kinh doanh cứ thế phát triển với thêm nhiều cửa hàng ở các địa điểm khác nhau. Khi đó, một vấn đề nảy sinh đó chính là nhân viên bán hàng tại các cửa hàng. Có đến 95% các cửa hàng thời trang đều thuê nhân viên bán hàng. Rất ít trong số đó, chủ cửa hàng trực tiếp bán hàng. Tất nhiên rồi, công việc bán hàng chiếm rất nhiều thời gian, và không ai có thể take care được hết những việc đấy.

Trong bài này, tôi xin chia sẻ bằng kinh nghiệm của chính mình với chuỗi 5 cửa hàng bán đồ lót xuất khẩu của mình về những vấn đề cần phải giải quyết với nhân viên bán hàng.

Như trên tôi phân tích, nhân viên bán hàng chiếm vị trí cực kỳ quan trọng trong việc kinh doanh của cửa hàng.

Các đặc điểm cần lưu ý khi tuyển một nhân viên bán hàng:

Về mức lương:

Hiện nay, mức lương phổ biến dành cho nhân viên bán hàng cũng như các ngành nghề bán thời gian (part-time) khác là 10.000 đồng/tiếng làm việc. Như vậy, một cửa hàng thời trang nho nhỏ với diện tích nhỏ hơn 20m2 bạn sẽ cần tới khoảng 13 tiếng làm việc (từ 8g30 – 21g30) của nhân viên bán hàng. Một số cửa hàng đông khách vào tầm tan sở (khoảng 16g-19g) thì có thể phải tăng cường thêm 1 nhân viên nữa, vậy có thể thêm 3 tiếng, vậy có thể, chủ cửa hàng thời trang sẽ phải chi ra 160K/ngày, tương đương với khoảng 4.800K/tháng cho nhân viên bán hàng. Tất nhiên, mức này cũng chỉ tương đối và phụ thuộc vào từng cửa hàng thời trang ở các địa điểm khác nhau (mức này tôi tính ở Hà nội, các quận trung tâm. Các quận vùng ven như Bắc Từ Liêm hoặc Hà Đông, hoặc Long Biên, hoặc tỉnh lẻ có thể rẻ hơn).

Về giới tính:

Thường là nữ. Những nhân viên nam có những lợi thế riêng, nhưng tâm lý chung của khách đến mua hàng thường sẽ thích mua với nhân viên nữ hơn (ít nhất là sẽ không có chuyện đụng chân đụng tay nếu như mặc cả quá đáng, hay chỉ xem không mua). Nhân viên nữ cũng thường tạo cảm giác dễ chiều lòng khách hàng hơn với khách hàng nam, và với khách hàng nữ, nhân viên nữ sẽ tư vấn một các chi tiết, cụ thể và đáng tin hơn là nhân viên nam.

Về độ tuổi:

Thường là sinh viên làm thêm, độ tuổi dao động từ 18 – 22. Với độ tuổi này, nhân viên bán hàng có lợi thế về độ trẻ trung, ngoại hình ưu nhìn, nhiệt tình, năng động…nhưng đôi khi mải chơi, vô kỷ luật, tư vấn về sản phẩm dịch vụ không chuẩn. Chủ cửa hàng thời trang sẽ thường xuyên phải giải quyết những “ca khó đỡ” như ’em xin nghỉ chiều nay chị nhé’, ‘mai lớp em đi chơi em xin nghỉ nhé’… Độ tuổi này thường dễ tìm, nhưng cũng dễ phải thay thế vì những lý do trên. Đẹp nhất, chọn những đối tượng đã đi làm, và xác định sẽ gắn bó với nghề này. Thường những người này họ sẽ xác định đi làm khoảng vài năm để tích lũy tiền + kinh nghiệm để tự mở cửa hàng của riêng mình.

Về tư cách đạo đức:

Điều này cực kỳ quan trọng, nhưng lại không có một tiêu chuẩn nào để đo lường, mà chỉ phụ thuộc vào cách nhìn người của chủ cửa hàng. Bạn tôi sau khi đuổi việc một nhân viên bán hàng vì tội không trung thực (tức là bán hàng, nhưng không ghi sổ, đen đủi thay, hôm sau lại chính khách đó đến đổi hàng), vài hôm sau nhân viên đó (có lẽ chắc do áy náy lương tâm) gửi một phong bì có thư + tiền (con số ai cũng giật mình) xin lỗi và hoàn trả. Nếu như trường hợp của bạn tôi, nhân viên bán hàng chỉ lấy tiền của chủ cửa hàng thì thiệt hại chỉ về kinh tế, nhưng nếu như họ lấy của khách hàng (trường hợp bán đắt hơn giá quy định) thì thiệt hại sẽ lớn hơn nhiều.

Chủ cửa hàng thời trang thì thường hay không có mặt ở cửa hàng, nhân viên bán hàng ở cửa hàng sẽ được quyền quyết định rất nhiều thứ.

Những nguy cơ có thể xảy ra:

Thất thoát hàng hóa:

Điều này khó có thể tránh khỏi. Đặc biệt là những cửa hàng thời trang bán nhiều loại mặt hàng. Số lượng hàng hóa trong kho nhiều, lộn xộn sẽ dẫn tới việc không kiểm kê được thường xuyên, những mẫu mã, size còn trong kho nhưng lúc bán hàng không tìm thấy. Lúc đông khách bán nhiều hàng nhân viên không ghi lại kịp (vô tình hoặc cố ý, bán hàng bằng tay, không qua hệ thống đọc mã vạch).

Gian lận trong giá bán:

Thường các cửa hàng thời trang hay các cửa hàng khác sẽ cho khách hàng mặc cả, khi đó, các nhân viên bán hàng sẽ được chủ cửa hàng cho giao động mức giá mặc cả nhất định (khoảng 10% giá bán). Có nhiều cửa hàng quy định bán đúng giá, nhưng phần lớn là sẽ cho mặc cả (vì tâm lý khách thích mặc cả được đôi chút). Đây chính là chỗ mà nhân viên bán hàng có thể gian lận được đôi chút. Với những sản phẩm quần áo có giá trị nhỏ thì nhân viên bán hàng có thể gian lận 10 – 20K, nhưng nhiều khi có thể lên tới 100 – 200K/ngày. Điều này rất khó tránh khỏi và phần lớn các chủ cửa hàng phải chấp nhận tình trạng này.

Tư vấn sai về sản phẩm dịch vụ:

Đó là khi nhân viên tư vấn sai công dụng của sản phẩm, khách không thử, hoặc tư vấn sai về các chương trình khuyến mại, chính sách đổi trả của cửa hàng. Khi đó, không có thiệt hại về kinh tế, nhưng sẽ ảnh hưởng nhiều đến uy tín của cửa hàng. Một khách hàng bị tư vấn sai, không vừa lòng thì rất khó để họ quay trở lại mua hàng lần tiếp theo.

Bị lừa đảo:

Những nhân viên bán hàng mới, hay sinh viên năm nhất thì hầu như tất cả đều sẽ vấp phải ít nhất 1 lần. Mua thuốc đổ nhà vệ sinh, bể phốt, ủng hộ các cháu khuyết tật, bên thuế xuống thu tiền…đến những lừa đảo đổi tiền, trộm điện thoại, hàng hóa của nhân viên bán hàng, cửa hàng, hay khách hàng.

Thời gian:

Chủ cửa hàng thời trang rất hay phải giải quyết những lần xin phép nghỉ, hoặc nhân viên tự ý đóng cửa hàng đi ăn, đi đâu đó… Ai cũng hiểu bán hàng là đi câu, có lúc ngồi cả ngày không có khách, nhưng ai biết được lúc vừa đóng cửa thì khách lại vào, còn chưa kể đến việc ảnh hưởng đến uy tín cửa hàng.

Các cửa hàng có cách quản lý khác nhau để khắc phục các nguy cơ, giảm thiểu thiệt hại cho cửa hàng, công việc kinh doanh của mình. Trong bài này, tôi xin chia sẻ:

Một số giải pháp hiệu quả áp dụng trong chuỗi cửa hàng của mình.

Quản lý hàng hóa:

Với cửa hàng có 1 nhân viên làm full-time, thì tự nhân viên bán hàng chịu trách nhiệm về hàng hóa trong cửa hàng. Chủ cửa hàng có thể lên lịch kiểm kê định kỳ hàng tuần. Việc kiểm kê sẽ mất khoảng 30 – 60 phút mỗi lần. Quy định cho nhân viên bán hàng tự tính toán số lượng hàng nhập, số bán ra, và số còn tồn theo sổ sách, tự so sánh với số lượng mình kiểm kê được, và báo cáo. Theo đó chủ cửa hàng sẽ thi thoảng kiểm tra bất chợt một mặt hàng nào đó và đối chiếu số lượng trong sổ sách. Với cửa hàng bán theo ca, quy định nhân viên khi giao ca sẽ bàn giao số lượng theo sổ sách, trong ca của mình, thời gian rảnh rỗi sẽ kiểm tra đối chiếu số lượng được bàn giao và số lượng thực tế. Điều này khả thi vì với quy mô cửa hàng thời trang nhỏ, với số lượng mặt hàng nhỏ hơn 200, diện tích trưng bày nhỏ hơn 20m2. Nếu thấy số lượng có vấn đề gì thì phải trao đổi lại với nhân viên bán hàng ca trước, nếu không giải quyết được thì phải báo cáo chủ cửa hàng để đứng ra giải quyết.

Quản lý giá bán:

Nhiều chủ cửa hàng sẽ bảo bạn bè, người quen của mình đến mua hàng, để kiểm tra, đối chiếu. Một số cửa hàng lắp đặt hệ thống camera giám sát. Số lượng đơn hàng một ngày tầm 20 thì việc kiểm tra từng đơn hàng qua hệ thống camera giám sát là khả thi. Quy định phải đếm tiền khách trả lại ở vị trí camera nhìn rõ cũng là cách hay để vừa giúp chủ cửa hàng quản lý nhân viên, vừa để có những khách hàng thắc mắc về việc trả nhầm tiền có cơ sở để đối chiếu.

Quản lý thời gian:

Chủ cửa hàng thời trang sẽ phải quy định về việc nghỉ, xin phép. Với nhân viên làm theo ca, các nhân viên bán hàng sẽ phải tự động bố trí với nhau sắp ca để đảm bảo cửa hàng hoạt động bình thường, và báo cáo lại cho chủ cửa hàng. Tất nhiên, nhiều khi đột xuất không tránh khỏi thì chủ cửa hàng phải ra bán hàng thay nhân viên là chuyện rất bình thường.

Lừa đảo:

Thường xuyên cảnh báo những trường hợp lừa đảo cho nhân viên bán hàng cuả mình. Nhắc nhở nhân viên mang theo tỏi, gừng. Những thứ này sẽ giúp tránh phần nào những vụ lừa đảo bằng hóa chất. Sắm sửa cho mỗi nhân viên một bóp đựng tiền đeo vào người. Bóp đó để tiền, điện thoại, những thứ giá trị ở cửa hàng.

Việc kinh doanh của cửa hàng không thể thiếu được nhân viên bán hàng. Những điều chia sẻ trên đây như kinh nghiệm giúp những chủ cửa hàng mới bước vào kinh doanh lường trước được những vấn đề xảy ra với cửa hàng có thể tránh được những hậu quả đáng tiếc ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của mình. Cách giải quyết và hiệu quả được đến đâu phụ thuộc vào từng chủ cửa hàng. Chúc quý vị mua may bán đắt.

Vishop đồng hành kinh doanh cùng bạn