Tuyển nhân viên bán hàng

Tuyển nhân viên bán hàng

Yếu tố không thể thiếu và nhiều khi quyết định đến việc thành công của cửa hàng lại chính là nhân viên bán hàng. Là những người trực tiếp giao tiếp, cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng, nên việc truyền tải thông tin về sản phẩm, chính sách đổi trả hay những chương trình khuyến mại, lại phụ thuộc chính vào nhân viên bán hàng.

Như trên tôi phân tích, nhân viên bán hàng chiếm vị trí cực kỳ quan trọng trong việc kinh doanh của cửa hàng. Các đặc điểm cần lưu ý khi tuyển một nhân viên bán hàng:

  1. Về mức lương

    Hiện nay, mức lương phổ biến dành cho nhân viên bán hàng cũng như các ngành nghề bán thời gian (part-time) khác là 10.000 đồng/tiếng làm việc. Như vậy, một cửa hàng thời trang nho nhỏ với diện tích nhỏ hơn 20m2 bạn sẽ cần tới khoảng 13 tiếng làm việc (từ 8g30 – 21g30) của nhân viên bán hàng. Một số cửa hàng đông khách vào tầm tan sở (khoảng 16g-19g) thì có thể phải tăng cường thêm 1 nhân viên nữa, vậy có thể thêm 3 tiếng, vậy có thể, chủ cửa hàng thời trang sẽ phải chi ra 160K/ngày, tương đương với khoảng 4.800K/tháng cho nhân viên bán hàng. Tất nhiên, mức này cũng chỉ tương đối và phụ thuộc vào từng cửa hàng thời trang ở các địa điểm khác nhau (mức này tôi tính ở Hà nội, các quận trung tâm. Các quận vùng ven như Bắc Từ Liêm hoặc Hà Đông, hoặc Long Biên, hoặc tỉnh lẻ có thể rẻ hơn).

  2. Về giới tính:

    Thường là nữ. Những nhân viên nam có những lợi thế riêng, nhưng tâm lý chung của khách đến mua hàng thường sẽ thích mua với nhân viên nữ hơn (ít nhất là sẽ không có chuyện đụng chân đụng tay nếu như mặc cả quá đáng, hay chỉ xem không mua). Nhân viên nữ cũng thường tạo cảm giác dễ chiều lòng khách hàng hơn với khách hàng nam, và với khách hàng nữ, nhân viên nữ sẽ tư vấn một các chi tiết, cụ thể và đáng tin hơn là nhân viên nam.

  3. Về độ tuổi:

    Thường là sinh viên làm thêm, độ tuổi dao động từ 18 – 22. Với độ tuổi này, nhân viên bán hàng có lợi thế về độ trẻ trung, ngoại hình ưu nhìn, nhiệt tình, năng động…nhưng đôi khi mải chơi, vô kỷ luật, tư vấn về sản phẩm dịch vụ không chuẩn. Chủ cửa hàng thời trang sẽ thường xuyên phải giải quyết những “ca khó đỡ” như ’em xin nghỉ chiều nay chị nhé’, ‘mai lớp em đi chơi em xin nghỉ nhé’… Độ tuổi này thường dễ tìm, nhưng cũng dễ phải thay thế vì những lý do trên. Đẹp nhất, chọn những đối tượng đã đi làm, và xác định sẽ gắn bó với nghề này. Thường những người này họ sẽ xác định đi làm khoảng vài năm để tích lũy tiền + kinh nghiệm để tự mở cửa hàng của riêng mình.

  4. Về tư cách đạo đức:

    Điều này cực kỳ quan trọng, nhưng lại không có một tiêu chuẩn nào để đo lường, mà chỉ phụ thuộc vào cách nhìn người của chủ cửa hàng. Bạn tôi sau khi đuổi việc một nhân viên bán hàng vì tội không trung thực (tức là bán hàng, nhưng không ghi sổ, đen đủi thay, hôm sau lại chính khách đó đến đổi hàng), vài hôm sau nhân viên đó (có lẽ chắc do áy náy lương tâm) gửi một phong bì có thư + tiền (con số ai cũng giật mình) xin lỗi và hoàn trả. Nếu như trường hợp của bạn tôi, nhân viên bán hàng chỉ lấy tiền của chủ cửa hàng thì thiệt hại chỉ về kinh tế, nhưng nếu như họ lấy của khách hàng (trường hợp bán đắt hơn giá quy định) thì thiệt hại sẽ lớn hơn nhiều.